1. Vị trí địa lý:
Phường Mông Dương năm ở phía Đông Bắc của Thành phố Cẩm Phả, có diện tích = 115 km2 (chiếm ¼ diện tích của Thành phố Cẩm Phả). Phía Bắc tiếp giáp với xã Nam Sơn và Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ; phía Tây giáp xã Hòa Bình (huyện Hoành Bồ) và xã Dương Huy; phía Nam giáp các phường Cẩm Tây, Cẩm Đông, Cẩm Sơn, Cẩm Phú và Cửa Ông; phía Đông giáp xã Cộng Hòa, xã Cẩm Hải, xã Đoàn Kết (huyện Vân Đồn).
2. Lịch sử hình thành và phát triển:
Năm 1958, thực dân Pháp nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), chính thức xâm lược nước ta. Năm 1884, thực dân Pháp buộc triều đình nhà Nguyễn phải ký hòa ước Pa-tơ-nốt, chấp nhận ách thống trị của thực dân Pháp trên toàn bờ cõi Việt Nam.
Ngày 24/01/1984, triều đình nhà Nguyễn làm văn tự bán vùng mỏ than Hòn Gai - Cẩm Phả, trong đó có địa bàn Mông Dương cho một tập đoàn tư sản mại bản nước Pháp mà đại diện là Ba-vi-ê Sô-phua (Bavier Sauffour).
Sau khi chiếm được vùng mỏ giàu có, ở Mông Dương, thực dân Pháp chủ yếu tiến hành khai thác than lộ thiên. Do khai thác than ở độ cao hơn so với mực nước biển nên được gọi là “Moong Dương”. Từ “Moong” tiếng Pháp được dịch ra tiếng Việt được hiểu là “Đáy mỏ”. Theo thời gian, tên gọi “Moong Dương” được gọi chệch là “Mông Dương”.
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Mông Dương là một trong những mỏ than lớn của khu mỏ Cẩm Phả.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Mông Dương trực thuộc Châu Cẩm Phả.
Trước năm 1971, Mông Dương là đơn vị hành chính thuộc thị trấn Cửa Ông.
Năm 1971, Mông Dương được tách ra khỏi thị trấn Cửa Ông, thành lập đơn vị hành chính độc lập cấp thị trấn.
Năm 1979, khu vực Đồng Mỏ - Bến Ván sáp nhập vào thị trấn Mông dương.
Ngày 21/02/2012, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 04/NQ-CP về việc thành lập thành phố Cẩm Phả thuộc tỉnh Quảng Ninh. Từ 21/02/2012 đến nay, phường Mông Dương trực thuộc thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
3. Tổ chức hành chính
Phường Mông Dương chia thành 13 khu phố và các tổ chức chính trị- xã hội trên địa bàn phường.
- Trụ sở Đảng Ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ, các ban ngành đoàn thể phường tại Tổ 2 - Khu 6 - Phường Mông Dương.
- Trụ sở Công An phường tại Tổ 9 - Khu 5 - Phường Mông Dương.
- Trạm Y tế phường tại Tổ 4 - Khu 4 - phường Mông Dương.
- Trạm kiểm lâm Mông Dương tại ngã 4 257 - Khu 9 - phường Mông Dương.
- Các khu phố 100% có Nhà Văn Hóa dùng để tổ chức các hoạt động của khu và tổ chức sinh hoạt nhân dân chung.
Trụ sở Đảng uy - HĐND - UBND phường Mông Dương
4. Con người, truyền thống và những di tích lịch sử văn hóa
Toàn phường có 13 khu phố, 97 tổ nhân dân. Nhân dân các dân tộc trên địa bàn phường có truyền thống yêu nước, truyền thống bất khuất của giai cấp công nhân Vùng Mỏ, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành nghiêm mọi chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Điểm nổi bật người Mông Dương phần lớn là công nhân ngành than có nguồn gốc từ vùng đồng bắc Bắc Bộ. Trải qua thăng trầm của lịch sử, sự khắc nghiệt của tự nhiên đã tạo cho người Mông Dương tinh thần đoàn kết, thân ái, chia sẻ với nhau mỗi khi hoạn nạn, tinh thần yêu lao động, yêu tự do, hòa bình, ý chí vượt lên mọi gian lao, thử thách, tinh thần đoàn kết nhất trí...
Một góc phường Mông Dương năm 2021
Về tôn giáo: Ở Mông Dương có 2 tôn giáo là Phật giáo và Thiên Chúa giáo
Các di tích lịch sử, văn hóa đang có trên địa bàn phường Mông Dương gồm:
Di tích lịch sử Giếng đứng Mông Dương: được xây dựng năm 1934, hiện nay thuộc Công ty Cổ phần Than Mông Dương. Giếng đứng Mông Dương đã gắn liền với bao thế hệ thợ mỏ nơi đây, là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, kiên trì vượt khó và sự cần cù, sáng tạo của người Mông Dương. Ngày 10/12/2007, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 4575/QĐ-UB về việc công nhận Giếng đứng Mông Dương là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Chùa Mông Dương: Chùa Mông Dương tọa lạc ở tổ 2, khu 2 Phường Mông Dương. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa bị hư hỏng, đến năm 1998, nhờ sự đóng góp của nhân dân và sự hỗ trợ của chính quyền, chùa đã được trùng tu lại. Với những giá trị về lịch sử và văn hóa, ngày 05/05/2004, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 1405/QĐ-UB công nhận chùa Mông Dương là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.