Tin nổi bật

Chi tiết thủ tục hành chính

Tiêu đề: Thủ tục đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha, mẹ, con
Lĩnh vực: Hộ tịch
Thời gian giải quyết: 08 ngày
Lệ phí: - Lệ phí đăng ký khai sinh: miễn thu. - Lệ phí đăng ký nhận cha, mẹ, con: 10.000 đồng.
Nội dung: Thủ tục: Đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con 

* Trình tự thực hiện:
- Cá nhân tự chuẩn bị hồ sơ hoặc đến UBND xã, phường, thị trấn để được hướng dẫn theo quy định;
- Nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả/ Bộ phận một cửa của UBND xã, phường, thị trấn;
- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả /Bộ phận một cửa của UBND xã, phường, thị trấn:
+ Hướng dẫn người dân chuẩn bị hồ sơ;
+ Cung cấp mẫu tờ khai theo quy định và hướng dẫn người dân khai;
+ Kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ hợp lệ. Sau đó viết phiếu hẹn trả kết quả.
- Trả kết quả cho cá nhân theo thời gian quy định.
* Lưu ý:
+ Trường hợp người yêu cầu nộp giấy tờ là bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính thì người tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu xuất trình bản chính; nếu người yêu cầu chỉ nộp bản chụp và xuất trình bản chính thì người tiếp nhận hồ sơ kiểm tra, đối chiếu bản chụp với bản chính và ký vào bản chụp xác nhận về việc đã đối chiếu nội dung giấy tờ đó, không được yêu cầu người đi đăng ký nộp bản sao có chứng thực giấy tờ đó.
+ Trường hợp pháp luật quy định xuất trình giấy tờ khi đăng ký hộ tịch, người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ xuất trình, đối chiếu với thông tin trong Tờ khai và trả lại cho người xuất trình, không được yêu cầu người đăng ký hộ tịch nộp thêm bản sao giấy tờ đó. Người tiếp nhận có thể chụp 01 bản giấy tờ xuất trình hoặc ghi lại thông tin của giấy tờ xuất trình để lưu hồ sơ.
+ Người tiếp nhận có trách nhiệm tiếp nhận đúng, đủ hồ sơ đăng ký hộ tịch theo quy định của pháp luật hộ tịch, không được yêu cầu người đăng ký hộ tịch nộp thêm giấy tờ mà pháp luật hộ tịch không quy định phải nộp.
Cách thức thực hiện: Người yêu cầu đăng ký khai sinh, nhận cha, mẹ, con (một hoặc hai bên) nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả/ Bộ phận một cửa của UBND xã.
* Thành phần hồ sơ:
(1) Giấy tờ phải xuất trình
- Hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký khai sinh, nhận cha, mẹ, con.
- Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để chứng minh thẩm quyền đăng ký khai sinh, nhận cha, mẹ, con (trong giai đoạn Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chưa được xây dựng xong và thực hiện thống nhất trên toàn quốc). 
(2) Giấy tờ phải nộp
- Tờ khai đăng ký khai sinh, Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu.
- Bản chính Giấy chứng sinh; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; 
- Giấy tờ, đồ vật hoặc chứng cứ khác chứng minh quan hệ cha, con hoặc quan hệ mẹ, con gồm: 
+ Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
+ Trường hợp không có văn bản nêu trên thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.
Số lượng hồ sơ: 01 bộ
* Thời hạn giải quyết: 03 ngày làm việc, trường hợp phải xác minh thì không quá 08 ngày làm việc.
* Đối tượng thực hiện TTHC: Cá nhân
* Cơ quan thực hiện TTHC: 
- Cơ quan có thẩm quyền quyết định: UBND cấp xã
- Cơ quan phối hợp: Không
* Kết quả thực hiện TTHC: Giấy khai sinh, Trích lục nhận cha, mẹ, con.
* Lệ phí: 
- Lệ phí đăng ký khai sinh: miễn thu.
- Lệ phí đăng ký nhận cha, mẹ, con: 10.000 đồng.
Miễn lệ phí đối với trường hợp đăng ký khai sinh đúng hạn; người thuộc gia đình có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật. 
Mẫu đơn, mẫu tờ khai: Tờ khai đăng ký khai sinh, Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con.
* Yêu cầu, điều kiện thực hiện TTHC:
- Bên nhận và bên được nhận là cha, mẹ, con đều còn sống;
- Việc nhận cha, mẹ, con không có tranh chấp. 
- Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, sinh con, người con sống cùng với người cha, khi người cha làm thủ tục nhận con mà không liên hệ được với người mẹ thì không cần có ý kiến của người mẹ trong Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con.
* Căn cứ pháp lý của TTHC
- Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;
Luật hộ tịch năm 2014;
- Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch;
- Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch;
Thông tư số 179/2015/TT-BTC ngày 13/11/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2014/TT-BTC ngày 02/01/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Quyết định số 3374/2014/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc quy định thu lệ phí hộ tịch, đăng ký cư trú, chứng minh nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. 
File đính kèm: Tải file